image banner
SỰ HÌNH THÀNH DÂN CƯ VÀ LÀNG XÓM
Lượt xem: 29

SỰ HÌNH THÀNH DÂN CƯ VÀ LÀNG XÓM

Căn cứ tài liệu tổng hợp do Văn phòng Đảng ủy cung cấp: vào đầu thế kỷ XV, vùng đất Ngọc Sơn ngày nay đã có người định cư. Vào năm 1402, ông Nguyễn Cảnh Lữ từ vùng Thiên Lý (Đông Triều - Quảng Ninh), chạy loạn vào định cư ở bến đò Ngọc Sơn hiện nay, trở thành thủy tổ họ Nguyễn Cảnh (gọi là Nguyễn Cảnh Thiên Lý) trên mảnh đất này. Theo đó, do dọc bờ sông Lam, sông Gang, các hói và gò đồi đất đai tương đối màu mỡ rất thuận lợi cho trồng trọt, chăn nuôi, nên đã thu hút cư dân ở vùng khác trong huyện, trong tỉnh (Quỳnh Lưu...) và tỉnh khác (Thanh Hoá...) đến định cư.

Làng Ngọc Sơn: Được hình thành cách đây khoảng 300 năm. Làng có 3 xóm (xóm Ao, xóm Cồn, xóm Nha), chủ yếu là các dòng họ: Lê Đình, Nguyễn, Phạm, Đặng... Trước năm 1969, làng thuộc xã Thanh Lam, sau năm 1969, thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương. Hiện nay, làng Ngọc Sơn có tên gọi: xóm 3, xóm 4, xóm 5, xóm 6, có trên 3000 nhân khẩu với 450 hộ dân. Dân cư vùng này chủ yếu làm nông nghiệp, nghề mộc.

Làng có nhiều di tích văn hóa: Cồn Mả tổ dòng họ Nguyễn Cảnh, đền thờ Thánh Ba (vị tướng), đền Cả (thờ Bụt hay gọi là chùa Bụt), đền Hai (thờ Cao Sơn, Cao Các), Quán Ngọc Sơn¹, đình làng Ngọc Sơn2, chợ Tàu... Hiện nay, các đền chỉ còn phế tích. Riêng đền thờ Thánh Ba, đình làng đã được Nhân dân phục dựng. trở thành điểm đến văn hóa của làng.

Làng Nguyệt Bổng: Theo các cụ cao niên trong xã, làng được hình thành cách đây khoảng hơn 200 năm, dọc hữu ngạn sông Lam. Do chiến tranh loạn lạc, một số hộ dân từ khắp huyện tìm về đây khai khẩn đất đai lập thành làng. Sau cải cách ruộng đất, làng/-strong/-heart:>:o:-((:-hthuộc xã Thanh Nam, huyện Thanh Chương gồm có 4 xóm: Nam Dương, Thượng Đình, Đông Lịnh, Nam Lịnh. Sau năm 1969, làng thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương. Trong quá trình thực hiện chính sách di dân, dời nhà lên đồi để lấy đất canh tác, Nhân dân các xóm Thượng Đình và Nam Lịnh đã lên đồi dựng nhà lập xóm. Từ năm 1994 đến nay, các làng hợp nhất và có tên gọi mới là xóm 8 và xóm 9. Đến nay, sinh sống ở làng có các dòng họ: Nguyễn Hữu, Trần, Phạm, Đặng, Ngô, Đậu, ... Đa phần các dòng họ đã có nhà thờ, một số họ lớn còn có nhà thờ đại tôn. Làng hiện có khoảng 300 hộ với hơn 1.700 người sinh sống. Người dân chí thú làm ăn, chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trước Cách mạng tháng 8/1945, làng có đền Thượng, đình Nguyệt Bổng, nhà thờ họ Lê Kim, bến đò Nguyệt Bổng nhưng trong quá trình hợp tự cùng với những biến động của lịch sử, các di tích này hầu như biến mất, không còn dấu vết.

Làng Phong Nậm: Theo lời kể của các cụ cao niên, trước kia đây là vùng gần chân núi. Sau đó có các dòng họ Võ, Lê Cảnh, Nguyễn, Lê Văn, cùng đến đây khai khẩn và xây dựng nên xóm làng Phong Nậm trù phú, dân cư sống quây quần, yêu thương đoàn kết. Từ năm 1953, làng Phong Nậm chia thành hai xóm: xóm Thượng Chùa và xóm Hạ Đình thuộc xã Thanh Nam. Đến năm 1969, làng thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương. Năm 1994 cho đến nay, làng có tên gọi mới là xóm 10 với khoảng 1000 nhân khẩu, 170 hộ, 30 đảng viên. Các tổ chức đoàn thể được thành lập và hoạt động tốt. Đời sống vật chất, văn hóa ổn định, người dân chí thú làm ăn.

Trong các cuộc chiến tranh, cư dân Phong Nậm đã thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc, đã góp sức người, sức của làm nên chiến thắng vẻ vang cho dân tộc. Năm 1944, do tính linh thiêng của vùng đất, làng xây dựng hai ngôi đền và một ngôi chùa. Hằng năm, cứ vào dịp sóc, vọng, lễ tết, cư dân trong xã về đây thắp hương.

Làng Phúc Xá: Tương truyền, khi Mai Thúc Loan dấy binh (thế kỷ VIII) đã chọn vùng rú Đấng làm căn cứ cho binh sỹ luyện tập võ nghệ và nuôi nhốt voi, ngựa. Sau khi Mai Thúc Loan mất, Nhân dân lập đền thờ phụng, sau này tôn ông làm Thành hoàng. Đến thời nhà Nguyễn, đình Phúc Xá được xây dựng để phụng thờ Thành hoàng Mai Hắc Đế và các vị thần Cao Sơn, Cao Các, thần Nam Sơn, thần Kim Sơn, thần Phúc Sơn, thần Bạch Sơn và thần Lâm Sơn. Do địa thế thuận lợi cho canh tác, các dòng họ Lê Quang, Nguyễn, Lê Đình, Hồ đã về đây khai khẩn, xóm làng ngày càng đông đúc. Như vậy, căn cứ vào các chứng tích văn hóa tinh thần, cư dân đầu tiên có mặt trên vùng đất này tương đối sớm và đó cũng là cơ sở để hình thành làng Phúc Xá sau này.

Trong cách mạng, đình Phúc Xá trở thành nơi hội họp, tổ chức các cuộc biểu tình. Trong thời kỳ thành lập hợp tác xã nông nghiệp, làng Phúc Xá có tên gọi là: Đông Lĩnh, Nga Giáp, Thái Sơn, Bàn Thạch rồi làng Lam Hồng thuộc xã Thanh Lam, huyện Thanh Chương. Sau năm 1969, làng thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương. Hiện nay, làng được chia thành hai xóm: xóm 2A và xóm 2B.

Làng Mỹ Lương: Theo lời kể của các cụ cao niên trong xã, vùng đất này xưa kia dân cư rất đông đúc và trù phú. Vào đầu thế kỷ XIII, khi cuộc chiến Lê Trịnh diễn ra gay gắt, quan quân triều đình nhà Lê đã cho voi đến giày xéo và giết sạch dân trong làng. Từ đó, làng Mỹ Lương chỉ còn là vùng đất hoang. Năm 1962, thực hiện chính sách khai hoang làm kinh tế của Nhà nước, xã viên Hợp tác xã Lam Thắng, Hợp tác xã Đất Đỏ, Hợp tác xã Cồn Trện thuộc xã Thanh Lam đến đây canh tác. Sau năm 1969, vùng đất này thuộc xã Ngọc Sơn.

Làng trước đây có ngôi đền gọi là đền Đồng Nương, đền thờ Bạch Y Tiên nương, Đức thánh Lương Sơn, Đức thánh Lữ Sơn và dân làng Mỹ Lương. Cùng với đền Đồng Nương còn có Chùa Trôi (gọi là chùa Đồng Nương). Đây là ngôi cổ tự, do thời gian và chiến/-strong/-heart:>:o:-((:-htranh tàn phá, phế tích chỉ còn nền đất cũ. Sau một thời gian nung nấu tâm nguyện phục dựng lại khu di tích tâm linh này, được sự giúp đỡ của chi hội Tán trợ tỉnh người Hà Nội và của bà con Nhân dân, tháng 8/2017, chùa Đồng Nương được khởi công xây dựng và khánh thành vào ngày 2/5/2018. Ngôi chùa thể hiện nét văn hóa tâm linh người dân Ngọc Sơn và mảnh đất linh thiêng này.

Làng Mục Muộng: Năm 1963 - 1964, thực hiện chính sách di dân lên đồi giành đất trồng trọt của huyện Thanh Chương, một số cư dân Bàn Thạch, xóm Đá, Đông Lĩnh, Thùng Vả, Đất Đỏ, Lam Hồng đến đây khai khẩn đất đai lập thành làng Mục Muộng. Từ khi hình thành đến trước năm 1969, làng thuộc xã Thanh Lam. Sau năm 1969 thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương. Làng chủ yếu có các dòng họ: Nguyễn, Lê Quang, Lê Đình ... Đến nay, làng có tên gọi là xóm 1.

Làng Nam Giang: Ngày xưa, đây là vùng đồi núi (núi Dė). Trước Cách mạng tháng Tám, một số cư dân ở vùng bãi của làng Ngọc Sơn, xã Thanh Nam, huyện Thanh Chương tách ra và lập thành làng, gọi là xóm Chợ, sau đổi thành làng Nam Giang, thuộc xã Thanh Nam, huyện Thanh Chương. Sau năm 1969, làng là đơn vị hành chính thuộc xã Ngọc Sơn. Đến nay, làng Nam Giang đổi tên là xóm 7. Làng có gần 400 nhân khẩu, 70 hộ dân, 11 đảng viên.

Làng Lam Thắng: Năm 1963 - 1964, thực hiện chính sách di dân lên đồi, nhường đất để trồng trọt, 17 hộ dân thuộc các dòng họ như: Nguyễn Đăng, Lê Quang, Lê Đình.... của làng Ngọc Sơn, Phúc Xá, Nam Giang lên đây lập trại, về sau hình thành nên làng Lam Thắng thuộc xã Thanh Lam. Sau năm 1969, làng thuộc xã Ngọc Sơn. Đến nay, vùng đất này gồm các xóm: xóm 11, xóm 12, xóm 13. Làng có các đập: La Ngà, Thầu Đâu, Cầu Lim, khe Hàn,Thùng Và, cung cấp nước sản xuất cho cả vùng. Tính đến ngày 31/12/2015, tổng số dân của xã là 7.788 người với 1.778 hội, gồm khoảng 30 dòng họ sinh sống quây quần, cùng nhau đoàn kết xây dựng xóm làng.

Hiện tại, trải qua hơn 622 năm (1402 - 2024), vùng đất Ngọc Sơn ngày nay đã ổn định với 7 xóm: xóm Lam Hồng, xóm Thạch Sơn, xóm Lam Sơn, xóm Nam Thượng, xóm Nguyệt Bổng, xóm Nam Phong, xóm Lam Thắng.

BẢN ĐỒ XÃ NGỌC SƠN - HUYỆN THANH CHƯƠNG
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ NGỌC SƠN
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thái An - Chủ tịch xã

 Ông: Nguyễn ... - Công chức VHXH xã

Trụ sở: Xã Ngọc Sơn - Huyện Thanh Chương - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: (0238)3.. - Email: ubndngocsontcna@gmail.com