image banner
KHÁI QUÁT VỀ VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI NGỌC SƠN

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

1. Vị trí địa lý, địa hình

Ngọc Sơn là một đơn vị hành chính cơ sở của huyện Thanh Chương. Qua quá trình phát triển của lịch sử, ranh giới địa lý hành chính của xã đã nhiều lần thay đổi cho phù hợp với quan điểm chính trị của các chính thể quốc gia. Đến nay, địa giới hành chính được xác định: phía Bắc giáp xã Thanh Ngọc; phía Đông giáp xã Nam Hưng (Nam Đàn); phía Tây giáp sông Lam; phía Nam giáp xã Xuân Tường. Cách trung tâm huyện lị 5 km về phía Tây.

Núi đồi chiếm đến 70% diện tích tự nhiên. Địa hình nghiêng dần từ Tây sang Đông và bị chia cắt bởi núi đồi, khe suối.

Phía Tây có dãy núi Nguộc (rú Nguộc hay còn gọi là Ngọc Lĩnh thuộc địa phận hai xã Ngọc Sơn và Thanh Ngọc), có độ cao 109 m so với mặt nước biển; với ba ngọn chính: ngọn sát sông Lam gọi là rú Trào, đỉnh ở giữa gọi là rú Nguộc, ngọn còn lại thấp hơn ở phía bắc gọi là rú Láng; phía Bắc là dãy núi Già với 27 ngọn lớn, nhỏ; phía Đông là dãy núi Thanh Nam với 23 ngọn lớn, nhỏ. Ba dãy núi tạo thành vòng cung bán nguyệt bao quanh xã. Ở giữa có núi Dẻ, núi Cấm¹, núi Trẻ (gồm 13 ngọn).

2. Khí hậu, thời tiết: Ngọc Sơn chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa của vùng Bắc Trung Bộ, nên mỗi năm có bốn mùa: xuân - hạ - thu - đông khá rõ. Mùa hạ, nhiệt độ tăng cao, gió mùa Tây Nam (gió Lào) thổi mạnh, cùng với hiện tượng “phơn”i gây nóng bức và hạn hán. Mùa thu thường mưa nhiều kéo theo lũ lụt và bão tố. Mùa đông và mùa xuân chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, nhiệt độ xuống thấp, thời tiết giá - rét và mưa phùn. Trước đây, sự khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi) và đời sống con người. Ngày nay, nhờ hệ thống thủy nông đã được đầu tư xây dựng, góp phần khắc phục dần ảnh hưởng xấu của thời tiết, khí hậu.

3. Thủy văn: Địa bàn có hai dòng sông chảy qua: Sông Lam (sông Rum, Thanh Long, sông Cả) chảy qua Ngọc Sơn với chiều dài trên 4 km (chỗ rộng nhất trên 300 m, chỗ sâu nhất trên 6 m); sông Gang (còn gọi là sông Đa Cương), bắt nguồn từ các dãy núi phía tây bắc huyện Đô Lương, qua các xã Thanh Phong, Thanh Ngọc, Ngọc Sơn, Xuân Tường, Thanh Dương, Thanh Lương rồi đổ ra sông Lam tại Thanh Khai.

Ngoài ra còn có hệ thống hói cũng cung cấp một lượng lớn mặt nước cho sản xuất. Để khai thác nguồn tài nguyên nước, hệ thống trạm bơm (do phòng Thủy lợi quản lý) đã được xây dựng để lấy nước tưới cho 3 vùng Ngọc Sơn - Xuân Tường - Thanh Dương. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ, sông trở nên rất hung dữ: thường gây úng lụt, có năm làm vỡ đê, mất trắng vụ mùa, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống và sinh hoạt của Nhân dân.

4. Tài nguyên: Đất đai, thổ nhưỡng: Tổng diện tích tự nhiên của xã 2273,94 ha. Trong đó: 1593,04 ha đất nông nghiệp, 373,54 ha đất phi nông nghiệp và 307,36 ha đất chưa sử dụng.

Với địa hình như vậy nên thổ nhưỡng vùng này được phân thành hai nhóm chính:

Nhóm đất feralit: Nhóm đất này chiếm diện tích không nhiều, chủ yếu là nhóm feralits xói mòn và đất feralit đỏ vàng vùng đồi. Vùng đất này thích hợp trồng rừng, cây nguyên liệu (giấy) và khai thác ngành nghề truyền thống: gạch nung, vôi, sỏi sạch.

Nhóm đất phù sa được bồi đắp hàng năm, phân bố ở các vùng ven bãi sông Lam, sông Gang chuyên trồng các loại cây rau, màu hàng năm như: ngô, lạc, đậu, các loại rau... Bên cạnh đó còn các loại cát, sỏi dọc sông Lam, sông Gang có trữ lượng lớn. Cát ở đây mịn, sạch có thể làm nguyên vật liệu phục vụ cho nhu cầu xây dựng ở địa phương và các vùng xung quanh.

Tài nguyên rừng: Với 70% diện tích là đồi núi với thổ nhưỡng chủ yếu là đất feralit bị phong hóa và đất dốc tụ dưới chân núi do phù sa bồi đắp từ lâu. Trước đây, cả xã là vùng rừng nguyên sinh, có thảm thực vật phong phú với nhiều loại gỗ, cây dược liệu quý và nhiều muông thú. Nhưng do quá trình lấn rừng, khai hoang mở đất, sự tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh nên diện tích rừng bị thu hẹp, muông thú, gỗ quý suy kiệt. Hiện nay, độ che phủ của rừng tự nhiên không còn nhiều, thay vào đó là loại rừng trồng (chiếm 840 ha), chủ yếu các loại cây như: keo, tràm, thông... dùng trong công nghiệp chế biến, tăng cường đảm bảo độ che phủ, bảo vệ môi trường sinh thái.

Khoáng sản: Hiện nay, trên địa bàn xã, lượng khoáng sản nằm sâu trong lòng đất tuy chưa được thăm dò cụ thể nhưng khối lượng đá cuội, đá sỏi, cát trắng ven bãi sông Lam, sông Gang là lượng khoáng sản bề nổi cũng cung cấp một lượng nguyên vật liệu phục vụ cho nhu cầu xây dựng ở địa phương và các vùng xung quanh.

5. Giao thông, thủy lợi: Trước đây, do điều kiện kinh tế chưa phát triển, hệ thống giao thông của Ngọc Sơn gần như chưa hình hành. Tất cả đường đi lối lại trong xã và liên xã chỉ là những lối mòn. Việc đi lại, vận chuyển hết sức khó khăn.

Ngày nay, tuyến Quốc lộ 15, Quốc lộ 46 chạy qua, các tuyến giao thông liên thôn, liên xã được kiên cố theo chuẩn nông thôn/-strong/-heart:>:o:-((:-hmới đã tạo điều kiện cho Nhân dân giao thương và phát triển kinh tế và đi lại một thuận lợi.

Trên địa bàn có 12 trạm bơm, hệ thống kênh mương hầu hết đã được xây dựng bằng gạch táp lô, có 5 hồ đập lớn (trong đó có 3 hồ có trữ lượng nước khá phục vụ tưới tiêu cho 1 vụ sản xuất. Còn lại 2 hồ nhỏ trữ lượng khá nhưng chỉ phục vụ nước được cho một mùa vụ, còn lại 2 hồ không đủ nước phục vụ cho công tác sản xuất). Hệ thống kênh mương đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của bộ tiêu chí khoảng 50% chưa đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. 

II. ĐỊA DANH VÀ ĐỊA GIỚI

Trong quá trình phát triển của lịch sử, tên gọi và sự quản lý hành chính của xã có nhiều thay đổi.

Trước năm 1889, đây là vùng đất thuộc xã Hoa Lâm, tổng Xuân Lâm và một phần đất của tổng Đại Đồng, huyện Nam Đường. Sau năm 1889, vùng đất này thuộc huyện Thanh Chương. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, các làng: Phong Nậm, Ngọc Sơn, Nguyệt Bổng, Phúc Xá sáp nhập lại gọi là xã Xuân Sơn. Tháng 7/1947, xã Xuân Sơn và xã Xuân Tường hợp nhất thành xã Mai Lâm.

Năm 1954, thực hiện chủ trương chia xã lớn thành xã nhỏ của Chính phủ, xã Mai Lâm chia thành 3 xã: Thanh Lam, Thanh Nam và Thanh Trường.

Ngày 24/3/1969, theo Quyết định số 159/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Huyện Thanh Chương từ chỗ 41 xã (1954) nhập lại thành 28 xã. Xã Thanh Nam và xã Thanh Lam nhập lại thành xã Ngọc Sơn. Địa danh Ngọc Sơn chính thức có trên bản đồ hành chính Việt Nam. Trên cơ sở 9 làng xưa (làng Ngọc Sơn, làng Phúc Xá, làng Mục Muộng, làng Mỹ Lương, làng Lam Thắng, làng Nam Giang, làng Thượng Đình (Nam Thượng), làng Nguyệt Bổng (Nam Hạ), làng Phong Nậm (Nam Phong)), Ngọc Sơn được chia thành 14 xóm, gồm: xóm 1, xóm 2A, xóm 2B, xóm 3, xóm 4, xóm 5, xóm 6, xóm 7, xóm 8, xóm 9, xóm 10, xóm 11, xóm 12, xóm 13.

Năm 2020 xã sáp nhập 14 xóm còn 7 xóm: xóm 1, 2a, 2b cũ sáp nhập lại lấy tên xóm Lam Hồng; xóm 3,4 cũ sáp nhập lại lấy tên xóm Thạch Sơn; xóm 5,6 cũ sáp nhập lại lấy tên xóm Lam Sơn; xóm 7,8 cũ sáp nhập lại lấy tên xóm Nam Thượng; xóm 9 giữ nguyên đổi tên xóm Nguyệt Bổng; xóm 10 giữ nguyên đổi tên xóm Nam Phong; xóm 11,12,13 cũ sáp nhập lấy tên xóm Lam Thắng.

BẢN ĐỒ XÃ NGỌC SƠN-HUYỆN THANH CHƯƠNG
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ NGỌC SƠN
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thái An - Chủ tịch xã

 Ông: Nguyễn ... - Công chức VHXH xã

Trụ sở: Xã Ngọc Sơn - Huyện Thanh Chương - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: (0238)3.. - Email: ubndngocsontcna@gmail.com