image banner
NHÂN VẬT LỊCH SỬ - VĂN HÓA TIÊU BIỂU, CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC TÂM LINH, ĐỊA DANH
Lượt xem: 25

NHÂN VẬT LỊCH SỬ - VĂN HÓA TIÊU BIỂU, CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC TÂM LINH, ĐỊA DANH

1. Một số nhân vật tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, văn hóa¹

Nguyễn Cảnh Chân (1355 - 1409), người xã Ngọc Sơn hiện nay. Ông là danh tướng chống quân Minh cuối đời nhà Hồ và đời Hậu Trần. Cuối thời Trần, ông được bổ nhiệm làm An phủ sứ Hóa Châu (tức Thừa Thiên - Huế). Năm 1402, ông được nhà Hồ cử làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa². Tháng 11/1907, nhà Hồ bị quân Minh đánh dẹp; nhà Hậu Trần được thành lập, khởi binh chống quân Minh. Nguyễn Cảnh Chân cùng với Đặng Tất và một số tướng lĩnh tham gia nghĩa binh. Thế quân Hậu Trần mạnh lên, vua Hậu Trần là Giản Định Đế phong cho hai tướng là Đặng Tất làm Quốc công và Nguyễn Cảnh Chân làm Đồng tri khu mật: tham mưu quân sự.

Nguyễn Cảnh Dị (? - 1414): Năm 1408, vua nghe lời xằng bậy của Nguyễn Quỹ, Nguyễn Mộng Trang cho rằng Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất chuyên quyền “có âm mưu khác” nên rắp tâm mưu sát. Con trai của Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất là Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Dung căm giận vì cha có công mà bị giết hại, bèn đưa quân Thuận Hóa vốn thuộc quyền chỉ huy của họ về Thanh Hóa, rước Nhập nội Thị trung Trần Quý Khoáng đến Nghệ An để lập làm vua. Tháng 3/1409, Trần Quý Kháng lên ngôi, lấy niên hiệu là Trùng Quang. Nguyễn Cảnh Dị được cử làm Thái bảo 1.

Cuộc kháng chiến của nhà Hậu Trần với sự giúp sức của các tướng Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung, Nguyễn Súy... tiếp tục kéo dải thêm 5 năm. Nhưng do không cân sức, tháng 11/1413, Trùng Quang Đế, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung, Nguyễn Súy và nhiều bộ tưởng bị Trương Phụ bắt và giết hại.

Cha con Nguyễn Cảnh Chân và Nguyễn Cảnh Dị được “Đại Việt sử ký toàn thư" đánh giá: “Các ông vì giang sơn xã tắc, không thể cùng sống với giặc cho nên phải dẹp mối thù nhà, dồn trí lực giúp Trùng Quang chống giặc ngoại xâm. Trong khoảng 5 năm kiên trì chống giặc, dẫu có bất lợi nhưng ý chí không nao núng, khí thế càng hăng, chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Tận trung với nước, trí dùng kiêm toàn, danh tướng thời Hậu Trần (1407 - 1413) đã xả thân vì nghĩa, để lại tiếng thơm muôn đời. 120 năm sau, dòng dõi Nguyễn Cảnh lại nổi lên trong sự nghiệp Trung hưng nhà Lê, với Tấn Quốc công và hàng loạt công hầu khanh tướng, tiếp bao thể hệ, rạng rỡ một vọng tộc trên đất Hoan Châu".

Nguyễn Cảnh Huy (?-?) là tướng thời nhà Lê Trung Hưng (1533 - 1789). Khi vùng Thanh - Nghệ loạn giặc trong, giặc ngoài, Cảnh Huy cùng năm con trai là Nguyễn Cảnh Noãn, Nguyễn Cảnh Hoan, Nguyễn Cảnh Hân, Nguyễn Cảnh Vạn, Nguyễn Cảnh Chiêu lập đồn trại, chiêu mộ quân sĩ và khởi binh tại huyện Nam Đường. Nghĩa quân tiễu trừ các đám sơn tặc, thu phục và tiêu diệt dần các thế lực đối địch ở địa phương, trả lại sự yên bình cho vùng Nam Đường. Năm 1536, Nguyễn Kim khôi phục nhà Lê Trung Hưng, vua Lê Trang Tông phong Nguyễn Cảnh Huy tước Bình Dương hầu, Cành Hoan tước Dương Đường hầu, dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Kim.

Cuối đời, ông trở về quê làm ruộng, bốc thuốc, chữa bệnh cứu người và an hưởng tuổi già. Các con ông tiếp tục sự nghiệp Trung Hưng nhà Lê. Năm ông mất không rõ, chỉ biết ông thọ 64 tuổi, mộ táng tại xã nhà.

Nguyễn Phùng Thời (1685 - 1754), đậu Tiến sỹ khoa Ất Mùi (1715), làm quan đến Thượng thư Bộ hình, tước Lâm Xuyên bá. Đáng kính phục là con trai ông - Nguyễn Bá Quýnh (1710-1772), sau khi đỗ Tiến sỹ đã trở thành bạn đồng liêu (làm quan đồng triều) với ông. Bùi Dương Lịch, trong cuốn “Nghệ An chỉ” đã viết về trường hợp hi hữu này như sau: “Xuân Lâm Nguyễn Phùng Thời, cao khao hiền hoạn; phụ tử đồng triều, nhất thời vinh hiển”. Nghĩa là: Hai cha con Nguyễn Phùng Thời, người Xuân Lâm đều đỗ Đại khoa (Tiến sỹ) và cùng làm quan dưới một triều vua. Thật là vinh hiển một thời.

Nguyễn Bá Quýnh (1710-1772): Con trai Tiến sĩ Nguyễn Phùng Thời. Năm 19 tuổi, ông đậu Hương Cống (1729). Năm 1735, ông đậu Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ. Làm quan đồng triều với cha, thăng đến chức Tư Nghiệp Quốc Tử Giám kiêm Đông các Đại học sĩ. Tính ông thẳng thắn, khẳng khái nên không được lòng Chúa Trịnh. Thời gian sau, ông chuyển về làm Giám sát Ngự sử đạo Nghệ An. Trong thời gian trị nhậm ở Nghệ An, ông đã xử vụ kiện nhà giàu thôn Đồng Loan (xã Đại Đồng) với Nhân dân trong vùng bị lấn chiếm ruộng đất. Trong những ngày làm quan ở Quốc Tử Giám và Giám sát Ngự sử Nghệ An, ông cảm thông sâu sắc nỗi thống khổ của Nhân dân. Thấy cảnh quan lại Lê - Trịnh mục nát, suy tàn, ông đã từ quan về quê mở trường dạy học. Trường học của ông mang tên “Mai Sơn Giảng học đường”. Trong số các học trò của ông, nhiều người thành đạt, có chức vụ trong xã hội bấy giờ. Năm Nhâm Thìn (1772), ông qua đời. Cảm phục trước đức độ và công lao, vua Lê sắc phong truy tặng ông tước Mai Lĩnh Hầu, phong làm phúc thần, được thờ chung trong ngôi đền với cha là Lâm Xuyên Hầu Nguyễn Phùng Thời ở thôn Thượng Thọ.

Ngoài truyền thống đấu tranh, Nhân dân Ngọc Sơn còn có truyền thống hiếu học và học giỏi. Một số nhân vật tiêu biểu:

Đặng Văn Ký (1940 - 2002): Nhà văn Đặng Văn Ký người làng Nam Giang. Trước lúc trở thành nhà văn, ông là một nhà giáo. Tốt nghiệp Khoa Văn khóa đầu tiên của trường Đại học Sư phạm Vinh. Ra trường, ông vừa dạy học vừa viết văn, là hội viên Hội Văn nghệ Nghệ An và Hội Nhà văn Việt Nam. Các tác phẩm chính của ông đã xuất bản: Những ngày trung du; Tôi và các bạn; Vườn hoa giữa núi; Bí mật suối Seo cờ; Đội bạn tù; Miền đồi khao khát; Ngồn ngang nơi trần thế; Nhà có thuốc thần... Một số tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim và dàn dựng thành kịch.

Ngô Xuân Huyền: Ông sinh năm 1942, người ở làng Nguyệt Bổng. Ông mồ côi mẹ khi mới lọt lòng. Lòng đam mê sân khấu với các trò tích tuồng của các phường tuồng trong làng xã đã đưa ông từ một cậu bé chăn trâu đến với nghệ thuật: làm diễn viên, rồi giảng viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, đạo diễn sân khấu. Nhiều sinh viên là học trò của ông sau này trở thành diễn viên, nghệ sỹ nổi tiếng như: Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) Lan Hương, NSND Lê Khanh, Nghệ sỹ Ưu tú (NSƯT) Đức Hải. Nhiều vở do ông dàn dựng, đạo diễn đạt Huy chương Vàng, như: Gió và bụi, Otenlo, vòng phẩn Kapka, Bến bờ xa lắc, Lời thề thứ 9, Thánh của các vị thánh (kịch nói), Lý Thường Kiệt, Mỵ Châu - Trọng Thủy (chèo), Hải Thượng Lãn Ông, Em là bài ca của anh (cải lương), Phan Bội Châu, Nguyễn Du (dân ca Nghệ Tĩnh). Năm 1993, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND.

Nguyễn Phùng Hồng: Giáo sư, Tiến sỹ, Thiếu tướng Nguyễn Phùng Hồng sinh năm 1948 tại xóm Cồn Bàu; hoạt động trên lĩnh vực An ninh (thuộc Bộ Công an). Ông từng là Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công an; Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học và công nghệ; Tổng biên tập Tạp chí Công an Nhân dân; Ủy viên Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành khoa học an ninh. Hiện nay, ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy tại Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát. Trong quá trình công tác, ông đã đào tạo, bồi dưỡng trên 30 tiến sỹ, trong đó có nhiều người hiện nay là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của ngành Công an. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì.

Lê Đình Đệ: Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thiếu tướng Lê Đình Đệ sinh năm 1956; hoạt động trong lĩnh vực an ninh. Ông đảm nhận vị trí Cục trưởng Cục 5 thuộc Bộ Công an.

Ngoài ra, ở Ngọc Sơn còn có các vị Giáo sư, Tiến sĩ (Nguyễn Đăng Khôi, Lê Văn Tiềm), Phó Giáo sư, Tiến sỹ (Đặng Văn Lung, Nguyễn Đăng Quế, Trần Thị An), Tiến sĩ (Nguyễn Đăng Vị, Nguyễn Đăng Sơn, Nguyễn Văn Sung, Phạm Bá Thanh, Lê Cảnh Nhuệ), Đại tá (Nguyễn Phùng Quế, Phạm Bá Hảo, Phạm Bá Quy, Nguyễn Đăng Quỳnh, Nguyễn Văn Giáp, Ngô Đình Sáu, Nguyễn Hồng Luân, Lê Văn Hợi, Nguyễn Văn Quán, Nguyễn Đăng Liêng...) và một số người được gọi là nghệ nhân vì đã có công trong việc gìn giữ và bảo tồn làn điệu dân ca ví dặm.

2. Các công trình kiến trúc văn hóa - lịch sử, tâm linh

Do ảnh hưởng của Nho giáo, Phật giáo, Đạo Lão, nhìn từ góc độ văn hóa, Ngọc Sơn có một số công trình kiến trúc tâm linh thuộc tín ngưỡng dân gian như: đình, nhà thờ, chùa, đền, miếu. Tiêu biểu có:

Đình làng Nguyệt Bổng: Đình được xây dựng vào năm 1850, trên diện tích 142 m², trước cổng có cây phượng già. Trong các lần có biến, Nhân dân đã dỡ đình đi theo và vào những năm: 1929, 1935, 1968, đình được tu sửa. Đến nay, đình chỉ còn lại phế tích.

Ngôi đình gắn với lịch sử cách mạng của làng. Trong phong trào Xô viết năm 1930, 1931, chi bộ chọn nơi đây làm nơi treo cờ trong các cuộc biểu tình ngày 01/6/1930 và ngày 01/9/1930. Sau Cách mạng tháng Tám, đình là nơi dạy chữ Quốc ngữ cho các lớp Bình dân học vụ. Đến nay, Đảng ủy, chính quyền xã có kiến nghị trùng tu đình và xin được cấp Bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Đình làng Phúc Xá: Đình được xây dựng thời nhà Nguyễn (chưa rõ năm khởi dựng), làm nơi sinh hoạt và thờ phụng Thành Hoàng làng Mai Hắc Đế. Đình cũng là nơi thờ các vị thần như: thần Cao Sơn Cao Các, thần Nam Sơn, thần Kim Sơn, thần Phúc Sơn, thần Bạch Sơn và thần Lâm Sơn.

Đình có niên đại khoảng hơn 100 năm. Kiến trúc gồm: 1 tòa, 5 gian, 2 chái, sử dụng vật liệu xây dựng, kỹ thuật lắp ghép truyền thống, chạm khắc rất tinh tế.

Vào ngày 13/5/1931, tại nơi đây, 3 trong số 4 người bị giặc xả súng và hy sinh tại chỗ. Trong các cuộc chiến tranh, đình là nơi để hội họp, diễn thuyết, tiến hành các cuộc biểu tình hay nơi học tập, tản cư của Nhân dân trong xã và các vùng khác.

Đến nay, đình đã qua nhiều lần sửa chữa tôn tạo nhưng vẫn giữ được kiến thức cổ kính thời nhà Nguyễn. Ngày 24/10/2015, đình được Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (Quyết định số 4864/QĐ-UBND).

Đình làng Ngọc Sơn: Đình được xây dựng từ thời vua Tự Đức, thờ Thành hoàng làng và là nơi sinh hoạt cộng đồng làng xã. Kiến trúc gồm: đình thượng được chạm trổ tinh tế; đình hạ 3 gian 2 hồi, “mấy dãy cột lim người ôm không xuể”, mái lợp ngói âm dương; cổng đình có hai cột nanh uy nghi, trên đỉnh gắn đôi nghê chầu vào. Các đồ tế khí trong đình gồm: chiêng, trống. Trước sân đình dựng văn bia ghi danh thành hoàng, công trạng người đỗ đạt và sở hữu đất đai của làng.

Tiếng trống Xô viết dấy lên, ông Nguyễn Kia và Nguyễn Trọng Cử đã treo cao lá cờ ở cổng đình làng. Những ngày cách mạng, dân làng tập trung tại đình Ngọc Sơn để nghe diễn thuyết, đi cướp chính quyền. Trong kháng chiến chống Mỹ (1964 - 1965), trường Đảng Lê Hồng Phong sơ tán về làng, từng lấy đình Ngọc Sơn làm trụ sở. Đơn vị quân đội 249 cũng từng về đóng ở đây... Trải qua thời gian do bom đạn, nắng, mưa tàn phá, đình đã bị hư hại. Đầu năm 2013, đình Ngọc Sơn được khôi phục khang trang. Những ngày lễ tết, con cháu về đình thắp hương tế lễ.

Dòng họ Lê Kim và nhà thờ: Theo tài liệu lưu trữ của dòng họ Lê Kim, nguồn gốc dòng họ này vốn ở tổng Nam Kim, huyện Nam Đường. Đến thế hệ thứ 4 (1814 - 1885) có cụ Lê Kim Ứng đến ngụ cư ở làng Nguyệt Bồng, huyện Thanh Chương. Ông có công trong việc khai phá vùng đất này thành một vùng trù phú.

Trong phong trào Cần Vương, gia đình ông đã hiến nhiều lúa, gạo, tiền bạc ủng hộ quân khởi nghĩa Trần Tấn. Con trai ông là Lê Kim Tường đã hăng hái tham gia nghĩa quân Phan Đình Phùng. Năm 1895, ông Lê Kim Tường bị giặc Pháp bắt giam tại nhà lao Vinh và ông mất tại đó. Vợ ông Lê Kim Tường là bà Tôn Thị Chiêm cũng đã ủng hộ, giúp đỡ phong trào Đông Du vào những buổi đầu hoạt động. Bà đã từng chăm sóc, nuôi dưỡng con em và các chí sỹ yêu nước như: Đặng Thái Thang (em của Đặng Thái Thân), Phan Văn Đệ (con cụ Phan Bội Châu), Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai Nguyễn Ái Quốc). Lớp con cháu sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà thờ họ Lê Kim như: anh em ông Kỳ, ông Chỉ, ông Hy và các thế hệ con cháu dòng họ Lê Kim nói chung vẫn là những con người góp phần làm nên truyền thống đấu tranh bảo vệ đất nước.

Năm 1844, ông Lê Kim Ứng cùng các con đã xây dựng nhà thờ (cũng là nhà ở) để có chốn thờ phụng ông bà, cha mẹ. Về sau, chốn này trở thành nhà thờ nhánh của dòng họ Lê Kim. Nhân dân vẫn quen gọi là Nhà thờ họ Lê Kim. Nhà thờ tọa lạc trên vùng đất 2.500 m² ven bãi sông Lam (trước mặt là dòng sông Lam, phía sau có dãy núi Cồn Chạn).

Trong phong trào Đông Du, nhà thờ Lê Kim trở thành nơi liên lạc bí mật của các sỹ phu yêu nước như: Đặng Thái Thân, Đặng Nguyên Cẩn, Phạm Văn Ngôn. Cũng trong thời gian này, Nhân dân tổng Võ Liệt mời cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc về dạy học. Năm 1903, ông Nguyễn Sinh Sắc đưa hai con là: Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung lên Thanh Chương. Ông Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Sinh Cung ngụ tại nhà ông Nguyễn Thế Vấn (Tổng Vấn ở Võ Liệt). Nguyễn Sinh Khiêm ở nhà ông Lê Kim Tường. Hàng tuần, Nguyễn Sinh Cung thường qua nhà ông Tường để thăm anh, có lúc còn ở lại học và vui chơi cùng Lê Kim Nhường (con trai ông Lê Kim Tường). Từ đây, họ Lê Kim, làng Nguyệt Bổng gắn với những ký ức đẹp về tuổi thơ của Bác. Bác Hồ từng chậm rãi nói: “Hồi còn nhỏ, Bác có lên học ở đó, phong cảnh ở đó đẹp và đồng bào rất tốt".

Bến đò Nguyệt Bổng (đò Rộ): Được hình thành từ cuối thế kỷ XIX, thuộc địa phận của làng Nguyệt Bổng (nay xóm 9). Trong phong trào Xô Viết, địa danh này là nơi gặp gỡ của hai đoàn Đại Đồng và Xuân Lâm (gần 2 vạn người) biểu tình lên huyện lỵ. Cũng tại bến đò này, đồng chí Nguyễn Công Thường đã hy sinh khi đang bơi sang sông giành thuyền chở quần chúng tham gia biểu tình; nơi dấy lên cuộc biểu tình vượt sông, kéo vào nhà riêng của Bàng, đập phá đồ đạc, truy tìm tên Bàng. Bến đò Nguyệt Bổng ngày nay đã không còn những con đò chở khách sang sông và cũng chẳng còn cái thủa “Máy nổ dục phà qua bến Rộ”, thay vào đó là chiếc cầu to, đẹp, vững chãi vắt ngang dòng Rộ (Lam).

Chợ Điểm: Nơi đây (phía trước là bến đò Nguyệt Bổng, nhìn ra dòng sông Rộ) là chỗ dân cư thường hội họp mỗi khi làm đồng về, nơi trao đổi những vật dụng cần thiết trong sinh hoạt, bữa ăn hoặc những mật tin. Thực dân Pháp chọn nơi đây lập điếm canh nên được gọi là chợ Điếm. Đứng trên điểm canh, chúng thấy được những tụ điểm dân cư để tiện bề đàn áp. Chợ Điếm hiện nay không còn nhưng hình ảnh những lá truyền đơn (trong cao trào Xô Viết) được rải vào buổi sáng tinh mơ, tranh thủ người đi chợ sớm vẫn in mãi trong tâm trí của người dân nơi đây.

Núi nguộc (rú Nguộc, Ngọc Lĩnh hoặc núi Ngọc): thuộc địa bàn hai xã Ngọc Sơn và Thanh Ngọc, cách tỉnh lỵ Nghệ An về phía Tây 40 km. Núi cao 109 m, có 3 ngọn (rú Trào, rú Nguộc, rú Láng). Nhìn từ phía Đông Bắc, phía Nam và Tây Nam núi có hình dáng của một con voi chiến. Cạnh ngọn rú Trào có Quốc lộ 46 đi qua tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của địa danh mà nhiều người biết đến.

Tương truyền, vào thế kỷ thứ X, rú Nguộc được xem là căn cứ luyện binh của công chúa Ngọc (con gái vua Ngô Quyền). Vào giữa thế kỉ XVI đến cuối thế kỷ XVII, đây là nơi xảy ra nhiều trận thư hùng đẫm máu của các tập đoàn phong kiến, cũng là nơi phát tích của dòng họ Nguyễn Cảnh. Trong các cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, rú Nguộc là “Lối đi độc đạo” nằm trên Quốc lộ 15 (huyết mạch nối từ Ninh Bình, Thanh Hóa qua Tân Kỳ, Đô Lương tới Can Lộc, Khe Giao vào Quảng Bình), là trọng điểm thả bom đạn dày như “vãi trấu”, trở thành “nơi đọ sức của bom đạn và ý chí quyết thắng”. Năm 1967, để thông đường cho xe ra tiền tuyến, huyện Thanh Chương chỉ đạo lực lượng thanh niên toàn huyện khoét rú Cấm (núi Dẻ), đắp con đường vòng (dài 5km) chạy phía sau rú Nguộc. Hiện nay, phần thuộc địa phận xã Ngọc Sơn còn một số di tích như: Đền Ba (thờ Thành hoàng làng Ngọc Sơn), khu lăng mộ các vị thủy tổ dòng họ Nguyễn Cảnh.

Cùng với các công trình kiến trúc là di tích lịch sử, văn hóa, địa danh, ở đây còn có chùa Đồng Nương (nay đang được người dân duy tu thành Tiên Tam Bảo) và các đền: Đền Cả (thờ Cao Sơn Cao Các, đô trung quốc Thành hoàng, thượng thượng thượng đẳng thần), đền Hai (thờ Bản cảnh Thành hoàng đệ nhị vị, tùng bạt trung đẳng tôn thần), đền Ba (thờ Bản cảnh Thành hoàng đệ tam vị, cản phòng Ngọc Lĩnh tối tú linh thần, thượng đẳng thần), đền Mỹ Lương¹ (thờ Bạch Y sơn cước tiên nương), đền Chuẩn, đền Thượng (thờ cụ Phạm Đức Công), đền Cồn Chùa, đền Cồn Chạn. Hay các Khe Hàn, Cồn Kho, Đập Cầu Lim, hầm ngầm xuyên rú Cấm ... ở Ngọc Sơn không chỉ phản ánh tín ngưỡng, tập quán của người dân nơi đây mà còn thể hiện truyền thống, bề dày lịch sử, văn hóa và công sức lao động, tài năng sáng tạo nghệ thuật trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng của người Ngọc Sơn, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đại bộ phận dân cư trên vùng đất này.

BAN BIÊN TẬP
BẢN ĐỒ XÃ NGỌC SƠN - HUYỆN THANH CHƯƠNG
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ NGỌC SƠN
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thái An - Chủ tịch xã

 Ông: Nguyễn ... - Công chức VHXH xã

Trụ sở: Xã Ngọc Sơn - Huyện Thanh Chương - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: (0238)3.. - Email: ubndngocsontcna@gmail.com